Kế hoạch của hai bên Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Phương án phòng thủ của Đạo quân Quan Đông

Bố trí phòng thủ của Đạo quân Quan Đông

Do năng lực chiến đấu suy giảm, nên từ đầu năm 1944, Bộ Tư lệnh Ðạo quân Quan Ðông chuyển toàn bộ các đơn vị dọc biên giới với Liên Xô - Mông Cổ sang phòng ngự. Đến tháng 10 năm 1944, Đạo quân Quan Đông lựa chọn phương án phòng ngự thực tế[53] bằng cách tổ chức các cụm đề kháng[Ct 7] dọc theo các hướng quan trọng thay vì rải mỏng quân lập chiến tuyến dọc biên giới.

Theo phương án này, 17 cụm đề kháng được xây dựng kiên cố với tổng chiều dài chính diện tới 800 km[54]. Mỗi cụm đề kháng có chính diện từ 20 đến 70 km, gồm nhiều cứ điểm liên hoàn. Mỗi cứ điểm gồm nhiều hoả điểm kiên cố được nối với nhau bằng hàng trăm km chiến hào. Vòng ngoài mỗi cứ điểm có hầm chống tăng, hàng rào dây thép gai,... Bên trong mỗi cứ điểm có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Nhiều cụm thậm chí còn xây dựng hệ thống địa đạo nối thông các cứ điểm[54].

Ở Đông Mãn Châu, các cụm đề kháng mạnh bao gồm: Nhiêu Hà - Hổ Đầu - Mật Sơn - Tuy Phân Hà - Đông Ninh - Hồn Xuân - Đồ Môn[55]. Ở Đông Bắc Mãn Châu có các cụm Phủ Viễn - Đồng Giang - Phú Cẩm - Hưng Sơn[Ct 8]Tôn Ngô - Ái Huy [53]. Ở Tây Mãn Châu có 2 cụm lớn là Hải Lạp Nhĩ và Halung - A Nhĩ Sơn án ngữ 2 đèo quan trọng qua dãy Đại Hưng An[53]. Ngoài ra, ở Triều Tiên cũng có 4 cụm dọc bờ biển phía Tây tại Wonsan, Hamnhüng, Nanjin và Ch'öngjin[50].

Đến giữa năm 1945, sức chiến đấu tiếp tục suy giảm buộc Bộ Tư lệnh Đạo quân Quan Đông phải đề ra phương án phòng ngự mới với tinh thần trì hoãn ở biên giới, phòng ngự dẻo ở nội địa. Theo đó, khoảng ⅓ quân số chia nhỏ thành đại đội - tiểu đoàn chốt giữ các cụm đề kháng và các trung tâm du kích chiến gần biên giới, còn chủ lực gồm các sư đoàn - lữ đoàn chiếm khoảng ⅔ quân số đứng chân ở các vị trí phòng ngự cách biên giới từ 40 – 70 km[53]. Khi bị tấn công, chủ lực phải tránh đụng độ lớn, chỉ vừa tìm cách tiêu hao, cầm giữ đối phương vừa rút dần về các vị trí phòng ngự trung gian phía sau. Các vị trí này sẽ bố trí ở các hướng quan trọng, lùi dần về khu vực hậu cứ có tâm là Thông Hoá, nơi có thể dựa vào lợi thế tự nhiên của tuyến Đồ Môn - Áp Lụcdãy núi Trường Bạch[56] để phòng ngự hiệu quả. Với phương án này, Bộ Tư lệnh Đạo quân Quan Đông hy vọng rằng tinh thần kháng cự kiên cường cộng với khó khăn địa hình và chiều sâu tiến quân sẽ làm suy kiệt các mũi tấn công, tạo điều kiện để phản công[53].

Tuy nhiên, do không dự tính Quân đội Liên Xô có thể tấn công sớm, nên phương án phòng ngự mới chỉ được truyền đạt đến các đơn vị trực thuộc trong tháng 6 năm 1945. Do đó, khi chiến dịch bắt đầu thì các sư đoàn chưa chuyển quân xong, một số các vị trí đề kháng trung gian trong nội địa chưa kịp hoàn thành[53].

Phương án tác chiến của Quân đội Liên Xô

Với mục tiêu bao vây tiêu diệt phần lớn quân lực của Đạo quân Quan Đông và kiểm soát thành công lãnh thổ Mãn Châu trước khi Đế quốc Nhật đầu hàng, thách thức lớn nhất của Bộ Tổng Tham mưu Xô viết khi lập kế hoạch tác chiến là diện tích rộng lớn của lãnh thổ cùng với chiều sâu chiến dịch tới hơn 800 km[17]. Vì thế, quy mô cũng như tính chất của chiến dịch là rất táo bạo, mặc dù ý tưởng hợp vây cổ điển bằng hai gọng kềm đôi khá đơn giản[57].

Theo kế hoạch này, Phương diện quân Zabaikal đảm nhiệm vai trò gọng kềm chủ công từ Tây Mãn Châu về phía Đông, trong khi Phương diện quân Viễn Đông 1 là gọng kềm từ Đông Mãn Châu siết theo hướng ngược lại. Hai cánh quân sẽ hợp điểm ở Trường Xuân và Cát Lâm ở Trung Bộ Mãn Châu. Khi thế bao vây bắt đầu hình thành, thì mũi phụ công của Phương diện quân Viễn Đông 2 bắt đầu tấn công từ Bắc Mãn Châu về phía Nam chiếm Cáp Nhĩ TânTề Tề Cáp Nhĩ[57]. Lúc này, các cánh cơ động của 2 mũi chủ công sẽ phát triển xuống bán đảo Liêu Đông và Bắc Triều Tiên, đồng thời các chiến dịch tấn công Nam Sakhalin và quần đảo Kuril cũng bắt đầu[57].

Quyết định đặt mũi chủ công của Phương diện quân Zabaikal vào phía Tây là rất táo bạo vì phải vượt địa hình hiểm trở để giành yếu tố bất ngờ. Trong khi Tập đoàn quân 39 đánh kiềm chế cụm đề kháng Halung - A Nhĩ Sơn thì Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ 6 có Tập đoàn quân 53 theo sau nhận nhiệm vụ của mũi tấn công chính: vượt Đại Hưng An chiếm tuyến Lỗ Bắc - Đột Tuyền - Sách Luân trước ngày N+10 và chiếm các mục tiêu dọc tuyến Xích Phong - Thẩm Dương - Trường Xuân vào ngày N+16, chia cắt Phương diện quân Tây Mãn Châu của Nhật Bản làm đôi[58]. Bên sườn phải của mũi, Cụm Kỵ binh - Cơ giới hoá Liên Xô - Mông Cổ tấn công qua sa mạc Nội Mông, chiếm Ða Luân Náo Nhĩ và Trương Gia Khẩu để ngăn viện quân Nhật Bản từ khu vực Bắc Kinh. Ở bên sườn trái, Tập đoàn quân 36 tiến chiếm cụm Hải Lạp Nhĩ - Bác Khắc Ðồ trước ngày N+10 để găm giữ quân Nhật ở Tây Bắc Mãn Châu, sau đó tiến đến Tề Tề Cáp Nhĩ hợp vây với Phương diện quân Viễn Đông 2[59]. Tốc độ hành tiến của Phương diện quân theo kế hoạch lên tới 70 km/ngày cho các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá, và 23 km/ngày cho các Tập đoàn quân hợp thành[60].

Mũi chủ công phía Đông của Phương diện quân Viễn Đông 1 xuất phát từ phía Bắc và Nam Hồ Khasan, dự kiến mở đột phá qua các cụm đề kháng Hổ Đầu - Mật Sơn - Tuy Phân Hà - Đông Ninh và chiếm các mục tiêu dọc tuyến Bột Lợi - Mẫu Đơn Giang - Uông Thanh vào ngày N+10, sau đó phát triển hướng Tây đến Cát LâmTrường Xuân hợp vây với cánh quân của Phương diện quân Zabaikal, hướng Bắc đến Cáp Nhĩ Tân hợp vây với Phương diện quân Viễn Ðông 2 vào ngày N+17. Mũi phụ công ở cánh Nam của Phương diện quân sau khi vượt qua các cụm đề kháng Đồ Môn - Hồn Xuân thọc sâu chiếm Lâm Giang, Thông Hoá (trên đất Mãn Châu), phối hợp với Hạm đội Thái Bình Dương chiếm Unggi, Najin, Ch'öngjin (trên đất Triều Tiên) ngăn chặn Phương diện quân 17 (Nhật) ở Triều Tiên kéo lên tiếp ứng[61].

Nhìn tổng quan, thì ý đồ chính của kế hoạch là tấn công đồng loạt trên toàn mặt trận để ghim giữ đối phương tại chỗ, sử dụng tốc độ vận động để cô lập, bao vây, chẻ nhỏ và gây tê liệt toàn cục, dẫn tới sự sụp đổ của Ðạo quân Quan Ðông[62]. Ðược thực hiện bởi một thế hệ tướng lĩnh chỉ huy dày dạn trận mạc, ý đồ đã thành công vượt mong đợi khi chiến dịch hoàn thành các mục tiêu cơ bản chỉ trong vòng 10 ngày chiến đấu[62].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...